Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, bình thiên hạ", sự chính xác của các mối quan hệ xã hội, đạo đức và quy phạm làm người, "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Các giá trị đó đã có được tầm ảnh hưởng lớn trên mọi học thuyết khác ở Trung Quốc như Pháp gia hay Đạo gia trong suốt triều đại nhà Hán. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo được một người Italia là Matteo Ricci đưa vào Châu Âu, ông cũng là người đầu tiên La tinh hoá tên Khổng Tử thành "Confucius". Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của loài người, nhất là dân tộc Trung Hoa.
Nhiều sử sách ghi rằng ông sinh trong một gia cảnh nghèo, nhưng thực tế gia đình ông có ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quí tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu, Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông.
Năm lên ba, Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử 孔夫子, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử 孔子. 'Tử' ngoài ý nghĩa là 'con' ra còn có nghĩa là "Thầy". Do vậy Khổng Tử 孔子 là Thầy Khổng.
Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại tư khấu (coi việc hình pháp), kiêm quyền tể tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, dèm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.
Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Trong những năm cuối cùng này ông đã soạn ra bộ Ngũ Kinh. Ông mất tháng 4 năm 479 TCN, thọ 73 tuổi.
0 nhận xét: