Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, Bàn Cổ là một đại Thần, xác thực có tồn tại, nhưng cuối cùng lại biến mất một cách thần bí. Liệu Hồng Quân Lão Tổ và các vị tiên khác có liên quan đến vần đề này?
Trên Tiên giới cũng vậy, nhân gian cũng vậy, đều biết Bàn Cổ là vị Thần khai thiên tịch địa. Ngay cả Hồng Quân Lão Tổ – thầy của Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử, lúc đăng đài cũng ngâm tụng rằng: “Thiên địa huyền hoàng ngoại, ngô đương chưởng giáo tôn. Bàn Cổ sinh Thái cực, Lưỡng nghi Tứ tượng tuần”. Ý rằng, bên ngoài trời đất đen vàng, ta làm Chưởng Giáo Tôn. Bàn Cổ sinh Thái cực, Lưỡng nghi Tứ tượng cũng theo đó sinh ra.
Từ đó có thể thấy được, Bàn Cổ không chỉ là một vị đại Thần tồn tại độc lập, hơn nữa bài thơ của Hồng Quân Lão Tổ lúc đăng đài cũng cho thấy ông đặt Bàn Cổ ngang hàng với mình, có thể thấy được trong thâm tâm Hồng Quân Lão Tổ, Bàn Cổ chính là một vị bậc cao thủ đã lĩnh ngộ được Đại Đạo trong trời đất, cũng giống như ông, đạt đến Hỗn Nguyên Vô Cực Đại La Kim Tiên.
Bàn Cổ có di vật lưu truyền
Trong thế giới Phong Thần, Bàn Cổ khai thiên tịch địa nhờ vào hai pháp bảo. Một là Bàn Cổ Phiên (lá cờ Bàn Cổ), lá cờ này có thể xé rách không gian, có công hiệu thần kỳ để khai mở thế giới. Hai là Thái Cực Đồ, thế giới trời đất lúc sơ khai chưa bền vững, dùng Thái Cực Đồ có thể trấn áp bốn phương, để trời đất chiếu theo quy luật tự mình vận động, sinh ra vạn vật.
Thái Cực Đồ có thể trấn áp bốn phương, để trời đất chiếu theo quy luật tự mình vận động, sinh ra vạn vật. (Ảnh: Internet)
Hai pháp bảo này một thứ chủ về công phá, lực công kích cực mạnh; một thứ chủ về kiến lập, có thể khiến thế giới tự động vận chuyển. Lấy một ví dụ, một cái như kiếm, một cái như đạo đức luân lý. Dùng Bàn Cổ Phiên khai sáng thế giới, dùng Thái Cực Đồ để ổn định, củng cố thế giới mới.
Trong hai pháp bảo, Bàn Cổ Phiên trên tay Nguyên Thủy Thiên Tôn vẫn lấy tên Bàn Cổ Phiên, có thể thấy chủ nhân ban đầu của vật này nhất định không phải Nguyên Thủy Thiên Tôn. Trong thế giới phong Thần, địa vị của Nguyên Thủy Thiên Tôn vẫn còn xa mới bằng được địa vị được nhắc trong sách cổ Đạo giáo.
Bàn Cổ, Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn tồn tại trong cùng một thời kỳ. Cho dù thế giới phong Thần thực sự xác thực là Bàn Cổ tồn tại và có công khai mở ra trời đất. Tuy nhiên thử đặt ra giả thuyết, liệu có thể nào Bàn Cổ là do một vị đại Thần nào đó hóa thân hay không?
Ví dụ nói, Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn đã hóa thân Bàn Cổ chẳng hạn. Điều này cũng không thể. Bàn Cổ và Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn đều là đại Thần hoạt động ở thời kì Hỗn Độn.
Ngoài ra, trong cả thế giới phong Thần, cũng không ghi chép rõ ràng một vị tiên nhân nào trong cùng một thời kỳ lại có một hóa thân khác. Điểm này hoàn toàn không giống với một chi tiết được nhắc đến trong “Tây Du Ký” chính là Nữ Oa do Lão Quân hóa thân thành.
Lão Tử trong trận phá Tru Tiên, thi triển thuật Nhất Khí Hóa Tam Thanh. Nhưng trong nguyên văn có viết: “Lão Tử Nhất Khí Hóa Tam Thanh, bất quá là nguyên khí mà thôi”. Lão Tử hóa thành Tam Thanh, chỉ là một nắm nguyên khí tinh thuần, có thể dùng để vây địch, làm mê địch, nhưng thực sự không phải là một tiên nhân thực sự, có huyết nhục, có tư duy độc lập.
Chân tướng về vị thần khai thiên tịch địa
Kết hợp các điều phân tích trên, chúng ta có thể tổng kết ra vài điểm dưới đây:
1. Trong thế giới phong thần, Bàn Cổ là một vị đại Thần độc lập và thực sự có tồn tại, không phải người khác hóa thân thành.
2. Ông thần thông quảng đại, công lực có thể so với Hồng Quân Lão Tổ.
3. Bàn Cổ cùng Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo Chủ cùng hoạt động trong thời kì Hỗn Độn, họ có khả năng quen biết lẫn nhau, có thể là bạn, cũng có thể là thù.
4. Pháp khí là Bàn Cổ Phiên và Thái Cực Đồ khai mở trời đất.
5. Từ sau khi khai thiên tịch địa, Bàn Cổ biến mất một cách thần bí, pháp bảo của ông phân ra để Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn tiếp nhận.
Như vậy cuối cùng xảy ra một vấn đề, vị đại Thần Bàn Cổ có năng lực cường đại đến vậy, vì sao lại biến mất một cách thần bí?
Hồng Quân Lão Tổ, Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn có vai trò gì trong sự biến mất này?
Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, những ghi chép liên quan đến Bàn Cổ thực sự quá ít. Chúng ta chỉ có thể căn cứ trên câu nói của Hồng Quân Lão Tổ, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử để suy đoán một chút, có thể có đôi chút hoang đường nhưng không phải là không có khả năng xảy ra.
Một vị Thần sau khi năng lực tu hành đã đạt đến Hỗn Nguyên Đại La Kim Tiên thì người đó sẽ có được năng lực căn bản để khai thiên tịch địa, kiến lập thế giới mới. Nhưng khai thiên tịch địa nhất định phải hao phí năng lượng cực lớn, dù là Hỗn Nguyên Vô Cực Đại La Kim Tiên, cũng có khả năng bị thương. Vì vậy, Hồng Quân Lão Tổ tuy công lực cao thâm, nhưng lại không khai thiên tích địa.
Thế nhưng, thời đại Hỗn Độn nhất định phải kết thúc để tiến nhập sang thời đại hoàn toàn mới, thế là người đại diện của Hồng Quân Lão Tổ là Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn đã tìm đến Bàn Cổ, cùng bàn về việc khai thiên tịch địa này.
Sự tình không biết diễn tiến ra thế nào, có thể là Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn đã thực hiện nhiều công trạng lớn lao, hay là đại Thần Bàn Cổ vì truy cầu Vô Thượng Thiên Đạo muốn nghiệm chứng khả năng của mình, cuối cùng ông quyết định tự mình đảm đương công việc vĩ đại này.
Sau khi khai thiên tịch địa, thần lực của Đại Thần Bàn Cổ cơ hồ tổn hao hết. Ông qua đời, Lão Tử cùng Nguyên Thủy Thiên Tôn lần lượt tiếp nhận mỗi người một Tiên Thiên Linh Bảo. Về phần mình, Bàn Cổ đã có được uy danh khai thiên tịch địa, được vạn dân cung phụng.
0 nhận xét: